Gây mê là quá trình đưa hoạt chất có tác dụng đưa cơ thể vào giấc ngủ sâu nhằm tạm thời quên đi đau đớn trong khi làm phẫu thuật hay thủ thuật y khoa. Có 2 đường để đưa Thuốc gây mê vào cơ thể là qua đường hô hấp và đường tĩnh mạch. Bệnh nhân có thể tự thở hoặc thở có sự can thiệp chủ động trong quá trình phẫu thuật. Dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu về Thuốc gây mê đường tĩnh mạch và các lưu ý khi sử dụng các loại thuốc gây mê này!
1. Đặc điểm chung
- Ưu điểm: các thuốc gây mê đường tĩnh mạch thường khởi mê nhanh và êm dịu, tỉnh nhanh, không có các thời kỳ như thuốc gây mê hô hấp. Kỹ thuật gây mê đơn giản.
- Nhược điểm: tác dụng giảm đau và giãn cơ kém, thời gian mê ngắn không thích hợp cho các ca phẫu thuật kéo dài, dễ gây ức chế hô hấp.
2. Thiopental
Thuốc gây mê tĩnh mạch, liên kết với protein huyết tương khoảng 85% nhưng vẫn nhanh chóng qua hàng rào máu não. Sau khi tiêm 10- 20 giây đã có tác dụng và duy trì tác dụng 20- 30 phút nếu tiêm liều duy nhất.
Trong cơ thể chuyển hóa thành hydroxy thiopental, thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dạng đã chuyển hóa, một phần nhỏ ở dạng nguyên vẹn, thời gian bán thải khoảng 9 giờ.
- Tác dụng
- Gây mê: thiopental là dẫn xuất của acid barbituric có thời gian tác dụng rất ngắn. Tiêm tĩnh mạch, thuốc có tác dụng gây mê nhanh, mạnh và ngắn. Khởi mê nhanh, sau 1 phút đã mê sâu vì thuốc nhanh đạt được ngưỡng mê ở thần kinh trung ương. Sau đó thuốc phân phối lại, tới các mô nên nồng độ thuốc ở thần kinh trung ương giảm nhanh, vì vậy thời gian tác dụng ngắn. Tác dụng gây mê duy trì được 20- 30 phút.
- Trên tuần hoàn: ức chế tuần hoàn làm giảm nhịp tim, giảm nhẹ huyết áp, có thể gây rối loạn nhịp tim hoặc suy tim.
- Trên hô hấp: ức chế hô hấp, co thắt khí, phế quản.
- Tác dụng khác: hầu như không có tác dụng giảm đau, tác dụng giãn cơ kém nên hay dùng phối hợp với thuốc gây mê khác hoặc các thuốc giảm đau và giãn cơ. Thuốc làm giảm chuyển hóa và sử dụng oxy ở não, không gây tăng áp lực sọ não, vì vậy dùng được cho bệnh nhân bị phù não.
- Chỉ định
- Khởi mê trong phẫu thuật thời gian dài.
- Gây mê trong phẫu thuật thời gian ngắn.
- Tác dụng không mong muốn
- Suy hô hấp.
- Suy tim, loạn nhịp tim, hạ huyết áp.
- Viêm tĩnh mạch.
- Chống chỉ định
- Rối loạn chuyển hóa porphyrin.
- Suy hô hấp nặng.
- Suy tim nặng, hạ huyết áp nặng.
- Liều dùng
- Khởi mê dùng 2- 3mL dung dịch 2,5%, sau đó có thể tiêm tiếp.
- Liều tối đa 1g/ lần gây mê.

Thuốc gây mê đường tĩnh mạch có tác dụng mạnh và thời gian ngắn
3. Ketamin
- Tác dụng và cơ chế
- Ketamin là thuốc gây mê tĩnh mạch có thời gian tác dụng ngắn. Đây là thuốc gây mê phân liệt, có tác dụng giảm đau và ức chế tâm thần.
- Cơ chế: chủ yếu ức chế acid glutamic là chất dẫn truyền kích thích.
- Thuốc gây kích thích hô hấp, làm giãn cơ trơn phế quản nên dùng được cho người bị hen phế quản.
- Thuốc gây kích thích tim, làm tăng nhịp tim, tăng lưu lượng tim, tăng huyết áp do kích thích thần kinh giao cảm. Ketamin cũng làm tăng lưu lượng máu não, do đó cũng gây tăng áp lực sọ não.
- Trên lâm sàng, ketamin thường dùng phối hợp với các thuốc gây mê và thuốc giãn cơ.
- Chỉ định:
- Do có nhiều tác dụng không mong muốn về tâm thần nên ít dùng cho gây mê thông thường. Thuốc chủ yếu dùng gây mê cho các trường hợp đặc biệt như người bị hen, trụy tim mạch, trụy hô hấp.
- Ngoài ra, ketamin cũng được dùng để giảm đau trong các thủ thuật cắt bỏ mô hoại tử, băng bó vết thương, vết bỏng...
- Tác dụng không mong muốn
- Thường gặp là các rối loạn về tâm thần như mất định hướng, ảo giác, ác mộng, tăng áp lực sọ não, kích thích tim, tăng huyết áp.
- Ngoài ra, thuốc còn gây buồn nôn, nôn, run, chảy nước mắt, nước mũi...
- Chống chỉ định
- Tăng huyết áp.
- Tăng nhãn áp.
- Tăng áp lực sọ não.
- Rối loạn tâm thần.
- Liều dùng
- Tiền mê: 3mg/ kg tiêm bắp.
- Khởi mê: 0,5 - 2mg/ kg tiêm tĩnh mạch (4- 6mg/ kg tiêm bắp).
- Duy trì mê: 0,5 - 1mg/ kg, tiêm tĩnh mạch.
- Giảm đau, an thần: 0,2- 0,8mg/ kg tiêm tĩnh mạch (2- 4mg/ kg tiêm bắp).
4. Propofol
- Tác dụng
- Propofol (2,6- diisopropyl phenol) có tác dụng an thần gây ngủ, là thuốc gây mê tĩnh mạch quan trọng hiện nay.
- Hoạt tính gây mê nhanh, mạnh hơn thiopental nhưng tỉnh nhanh hơn và ít mệt mỏi sau khi tỉnh. Thuốc ít độc với gan và thận, không gây buồn nôn và nôn.
- Propofol thường được dùng làm chất cảm ứng mê nhanh sau đó phối hợp với các thuốc gây mê hô hấp khác để duy trì mê trong các phẫu thuật kéo dài hoặc dùng đơn độc trong các phẫu thuật ngắn.
- Tác dụng không mong muốn
- Thuốc gây suy hô hấp, giảm huyết áp do giảm sức cản ngoại vi.
- Thận trọng với những bệnh nhân co thắt mạch vành, nhất là khi phối hợp với nitrogen oxyd hoặc thuốc ngủ.
- Chống chỉ định
- Dùng trong sản khoa.
- Trẻ em dưới 3 tuổi.
- Liều dùng
- Khởi mê 1,5- 3mg/ kg tiêm tĩnh mạch.
- Duy trì mê: 3- 12mg/ kg/ giờ.

Vì tác dụng ngắn nên Thuốc gây mê đường tĩnh mạch thường dùng kết hợp với Thuốc gây mê đường hô hấp
5. Etomidat
Etomidat là thuốc ngủ không barbiturat, không có tác dụng giảm đau, thời gian tác dụng rất ngắn. Sau khi tiêm tĩnh mạch 0,3mg/ kg thể trọng, tác dụng gây mê duy trì được khoảng 5 phút. Vì tác dụng ngắn nên chủ yếu dùng khởi mê, sau đó phối hợp với thuốc gây mê hô hấp để duy trì mê.
Ưu điểm: ổn định hô hấp, tim mạch, duy trì được lưu lượng tim và áp suất tâm trương nên dùng được cho bệnh nhân bị suy giảm chức năng cung cấp và oxy cho cơ tim.
Tác dụng không mong muốn: Thường gặp là kích ứng nơi tiêm và làm giảm đáp ứng của vỏ thượng thận với stress, gây máy cơ.
- Chế phẩm và liều dùng
- Etomidat (Ạmidat), dung dịch 2mg/ mL trong dung dịch propylen glycol 35%.
- Tiêm tĩnh mạch 0,3mg/ kg.
6. Các thuốc gây mê tĩnh mạch khác
Các thuốc an thần gây ngủ (dẫn xuất của acid barbituric và benzodiazepin) khi dùng liều cao đều gây mê, tuy nhiên chỉ có một số thuốc được dùng làm thuốc gây mê tĩnh mạch là: thiopental, hexobarbital, diazepam, lorazepam, midazolam...
Trên đây chúng ta vừa cùng điểm qua khái quát nhưng thông tin cơ bản về Thuốc gây mê đường tĩnh mạch và những lưu ý khi sử dụng của từng hoạt chất. Hy vọng với những thông tin này giúp ích được quý bạn đọc khi muốn tìm hiểu về Thuốc gây mê đường tĩnh mạch. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!
Tài liệu tham khảo:
- Dược Lý học (tập 1) - Đại học Dược Hà Nội
- PGS.TS. Mai Tất Tố - TS. Vũ Thị Trâm