Đau thắt ngực hay cơn đau thắt ngực là thuật ngữ chỉ một cơn đau bất chợt nhói ở vùng ngực trái, thông thường xuất hiện bất ngờ mà không có dấu hiệu hay biểu hiện báo trước. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng điều này lại là dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim(đột quỵ tim). Chính vì vậy việc trang bị kiến thức về Cơn đau thắt ngực và những chú ý khi bị đau thắt ngực là rất quan trọng. Trong bài viết dưới đây Nhà Thuốc Trường Anh sẽ cùng với các bạn tìm hiểu về vấn đề này!
1. Nguyên nhân cơn đau thắt ngực
Nguyên nhân của cơn đau thắt ngực là do cơ tim bị thiếu oxy đột ngột vì mất thăng bằng giữa tăng nhu cầu oxy của cơ tim và sự cung cấp không đủ oxy của mạch vành. Mạch vành không cung cấp đủ oxy cho cơ tim trong các trường hợp:
- Các bệnh của mạch vành: xơ vữa động mạch làm hẹp tắc lòng mạch, co thắt mạch vành do nhiều nguyên nhân như chấn thương, huyết khối... đã làm giảm lưu lượng mạch vành nên giảm cung cấp oxy cho cơ tim.
- Khi làm việc tăng, gắng sức, stress gây kích thích giao cảm, làm tăng nhịp tim, tăng nhu cầu oxy cho cơ tim trong khi mạch vành không cung cấp đủ.
- Nhiễm độc oxyd carbon, thiếu máu nặng làm giảm oxy trong máu nên thiếu máu vào tim qua mạch vành.

Đau thắt ngực thường do tim bị thiếu oxy đột ngột
2. Phân loại cơn đau thắt ngực
Cơn đau thắt ngực là tất cả những cơn đau tạm thời ở vùng ngực do cung cấp không đủ oxy cho cơ tim. Gồm những thể sau:
- Đau thắt ngực ổn định: hay gặp nhất do stress, do gắng sức. Chủ yếu do hẹp động mạch vành vì xơ vữa. Các triệu chứng giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng nitroglycerin hoặc cả 2 (nghỉ ngơi và dùng thuốc). Các thuốc điều trị thế này nhằm mục đích: tăng lưu lượng tim, giảm nhịp tim, giảm trương lực thất trái, giảm co cơ tim.
- Đau thắt ngực không ổn định: Tăng cường độ, thời gian và tần số đau thắt ngực. Các cơn xảy ra cả lúc nghỉ. Giảm đáp ứng với sự nghỉ ngơi hoặc dùng nitroglycerin. Thuốc điều trị thể này là thuốc tránh huyết khối mạch vành là quan trọng nhất.
- Đau thắt ngực thể nằm (đau về đêm): cơn đau thắt ngực xảy ra lúc nằm khi không có một gắng sức nào cả.
- Đau thắt ngực Prinzmetal (đau do co thắt): động mạch vành co thắt nên giảm lưu lượng mạch vành. Thường xảy ra cả lúc nghỉ ngơi. Thuốc điều trị loại này là ngăn co thắt mạch vành.
- Nhồi máu cơ tim: là trường hợp đau thắt ngực đặc biệt: Khi cơ tim bị thiếu cung cấp máu của mạch vành nặng và kéo dài (do huyết khối) gây thiếu máu cục bộ, tổn thương và hoại tử mô. Các cơn nhồi máu cơ tim dài (> 30 phút) và không hồi phục được.
3. Phân loại thuốc
3.1 Theo mục đích điều trị
- Loại cắt cơn: các nitrat và nitrit hữu cơ.
- Loại điều trị củng cố làm giảm sử dụng oxy cơ tim: thuốc chẹn B- adrenergic, thuốc chẹn kênh Ca++.
3.2 Theo tác dụng
- Tăng cung cấp oxy cho cơ tim: nitrat và nitrit.
- Làm giảm mức tiêu thụ oxy của cơ tim: thuốc chẹn kênh Ca++, các thuốc chẹn b - adrenergic.
- Làm phân bổ' lại máu có lợi cho vùng thiếu máu: nitrat, thuốc chẹn b - adrenergic, thuốc chẹn kênh Ca++.
- Làm tan huyết khối trong lòng mạch: aspirin, dipyridamol, ticlopidin...
- Bảo vệ tế bào cơ tim khi bị thiếu máu: trimetazidin…

Đau thắt ngực được chia thành nhiều dạng tương ứng với mức độ nghiêm trọng
3.3 Theo cơ chế
- Các thuốc làm tăng GMPV: nitrat và nitrit.
- Các thuốc chẹn kênh Ca++: verapamil, diltiazem...
- Các thuốc chẹn B- adrenergic: propranolol, atenolol...
- Thuốc chống đông và chống ngưng kết tiểu cầu: aspirin, thuốc tiêu fibrin…
Trên đây chúng vừa cùng tìm hiểu về Cơn đau thắt ngực và các loại thuốc chống cơn đau thắt ngực cũng như cơ chế tác động của các loại thuốc này. Hy vọng với những thông tin trên có thể giúp quý bạn đọc hiểu được phần nào về Cơn đau thắt ngực. Cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm theo dõi!
Tài liệu tham khảo:
- Dược Lý học (tập 1) - Đại học Dược Hà Nội
- PGS.TS. Mai Tất Tố - TS. Vũ Thị Trâm